Trả lời câu hỏi về du học Nhật Bản vì sao chi phí lại thấp

Đặng An Đặng 620 03/05/2018

Có nhiều bạn nhắn tin cho Thanh Giang thắc mắc rằng tại sao chi phí du học tại Thanh Giang Conincon lại thấp như vậy, trong khi các bạn ấy đi tìm hiểu thì chi phí du học tối thiểu cũng phải từ 250 triệu cho đến 350 triệu và bạn bè của các bạn ấy cũng đi với mức chi phí như vậy. Như thế, liệu đi với chi phí thấp như vậy có đảm bảo không? Liệu có vào được trường tốt không? Vì khi đến tìm hiểu trực tiếp tại công ty thì nhận được những câu tư vấn như: Trường có trang thiết bị tốt thì học phí phải cao, trường ở trung tâm thành phố lớn, đi với chi phí cao thì mới đảm bảo không bị lừa khi sang Nhật vì công ty sẽ mua việc cho với chi phí là 10 triệu,.v.v…

Thanh Giang xin giải đáp câu hỏi của các bạn như sau:

Đầu tiên Thanh Giang xin khẳng định một điều là: Không ai làm du học không công và miễn phí cho các bạn được. Mà cái miễn phí đó sẽ bị dấu vào cái khoản “rất hợp lý” khi nghe giải thích. Vấn đề chi phí cao hay thấp ở đây chỉ là phí dịch vụ tại đầu Việt Nam. Vì học phí các trường bên Nhật thì các bạn có thể tự mình kiểm chứng một cách rất đơn giản đó là vào trực tiếp website của trường để tự kiểm tra hoặc có thể click vào link sau để tự mình kiểm tra học phí của tất cả các trường Nhật ngữ tại Nhật Bản (hướng dẫn tra bằng tiếng Việt)

Như Thanh Giang đã có bài viết về chi phí du học Nhật Bản thì với mức học phí 1 năm, phí hồ sơ và dịch vụ, vé máy bay, học phí 6 tháng tiếng Nhật trong nước cộng với tiền các bạn mang theo sẽ dao động từ: 182-214 triệu.
Hãy cùng Thanh Giang tính toán chi phí hồ sơ và dịch vụ tại Việt Nam của một số công ty như sau để các bạn cùng tham khảo nhé. Đây là mức phí Thanh Giang tham khảo và tổng hợp trên các diễn đàn chia sẻ của các bạn đã đi và rất nhiều bạn gửi tới cho Thanh Giang khi nhận được phiếu yêu cầu nộp tiền để nhận được VISA.

1. Phí hoàn thiện hồ sơ: 12.000.000 – 17.000.000 vnđ

2. Phí xin visa: 1.500.000 -2.000.000 vnđ. (Thực phí này ở Đại Sứ Quán là: 650.000 vnđ)

3. Lệ phí kiểm tra hồ sơ gửi sang Nhật: 2.000.000-5.000.000 vnđ.

4. Phí dịch thuật tài liệu: 3.000.000-5.000.000 vnđ

5. Phí công chứng tài liệu: 2.000.000 – 3.000.000 vnđ (Phí công chứng tại xã phường hết khoảng 3000 vnđ/bản)

6. Phí Topj và Nattest: 495.000 + 640.000 vnđ (Giải thích vì sao lại cần nhiều loại chứng chỉ như vậy thì nhận được câu trả lời là trường học yêu cầu. Thanh Giang thấy ngạc nhiên là tại sao phí thi TopJ và Nattes lại “rẻ bất thường” trong khi thực tế là: 550.000 vnđ và 650.000 vnđ, cũng lạ là có trường lại yêu cầu nhiều như vậy? Khi hỏi tên trường thì Thanh Giang thấy trong phần hồ sơ trường này không yêu cầu thì TopJ và Nattes. Người đi cũng không được nhìn thấy cái bằng TopJ và Nattest của mình như thế nào).

7. Phí gửi tài liệu sang Nhật: 1.500.000-2.000.000 vnđ

8. Phí chứng thực bằng cấp: 2.000.000 – 3.000.000 vnđ (Phí này theo biểu thu phí tại Bộ Giáo Dục và Đào Tạo hết: 750.000 vnđ)

9. Lệ phí tầu xe đi từ tỉnh xuống Hà Nội : 1.500.000 – 3.000.000 vnđ

10. Phí xin việc tại đầu Nhật Bản: 10.000.000 – 15.000.000 vnđ

11. Phí đưa đón học sinh là: 3.000.000-5.000.000 vnđ

12. Phí cám ơn và dịch vụ là: 1500 – 3000 USD = 31.000.000-63.000.000 vnđ

Trả lời câu hỏi về du học Nhật Bản vì sao chi phí lại thấp – ảnh 2

Tư vấn du học Nhật Bản miễn phí…

Các bạn nhẩm cộng con số trên và cộng với chi phí 1 năm học phí (bao gồm tất cả các khoản đóng sang Nhật theo giấy báo) dao động từ 106-138 triệu (với tỷ giá yên ngày 3/12/2014 là 176.4) thì chắc rằng các bạn đã trả lời được câu hỏi vì sao chi phí du học phải lên tới 250-350 triệu rồi chứ?

Còn vì sao chi phí tại Thanh Giang lại rẻ, bởi vì tất cả các chi phí hồ sơ và dịch vụ tại Thanh Giang chỉ có: 1000 USD~21 triệu (Nếu trường nào yêu cầu chứng thực bằng cấp thì sẽ nộp thêm một khoản 750.000 vnđ theo đúng biểu giá của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Yêu cầu Nattest thì nộp thêm: 550.000 vnđ theo đúng chi phí của nơi tổ chức thi Nattest. Nếu trường không yêu cầu thì các bạn không phải nộp thêm khoản phí trên) Ngoài ra không phát sinh thêm bất kỳ chi phí nào khác.

Với Thanh Giang thì đó là tiền dịch vụ của phía công ty đã đưa ra ngay từ đầu khi người có nhu cầu đến tìm hiểu về chương trình du học. Người đi phải chấp nhận với mức chi phí như vậy thì mới tham gia chương trình chứ. Các bạn nên nhớ rằng không ai có thể làm không công cho các bạn, ví như phí chứng thực bằng cấp theo biểu giá nhà nước chỉ mất có 750.000 vnđ nhưng khi cộng tiền lương của nhân viên vào nữa thì phải lên tới con số 1.000.000 -2.000.000 là rất “bình thường”. Đồng thời người đi chấp nhận chi phí cao để được hưởng mức dịch vụ cao nhất, ví như có tư vấn viên đã từng nói: “Chi phí du học Nhật Bản này nó như việc vào thuê một khách sạn, khi bạn thuê khách sạn 5 sao thì chi phí sẽ phải hơn khách sạn 2 sao.” Nhưng ngược lại thì Thanh Giang đa số nghe thấy câu trả lời của các bạn là khi tới tìm hiểu thì thấy nói chi phí rất thấp. Đến khi có VISA rồi mới phát sinh ra lắm loại chi phí như vậy. Vì thông tin một chiều nên Thanh Giang cũng không biết nó là thực hay là hư. Hay là phía công ty có giải thích từ đầu rồi nhưng các bạn không chịu đọc kỹ? Câu trả lời này thì người đã đi rồi sẽ kiểm chứng được và rõ nhất. Còn quan điểm của Thanh Giang thì làm việc thì phải có công để bù đắp chi phí đã bỏ ra. Điều quan trọng chính là sự lựa chọn, tìm hiểu và quyết định của phía người đi. Với mức phí dịch vụ và lợi nhuận cao như vậy, cho nên chỗ nào cũng có quảng cáo du học Nhật Bản. Bạn của Thanh Giang ở Hải Dương có một câu ví dí dỏm là: “Thấy thông báo tuyển sinh du học Nhật Bản treo và dán ở tường nhiều hơn quảng cáo khoan cắt bê tông và thông hút bể phốt”.

Thông qua trao đổi câu hỏi về chi phí du học. Thanh Giang xin đưa ra một số lời khuyên tới các bạn trước khi tìm hiểu thông tin du học Nhật Bản tự túc thì việc đầu tiên các bạn cần phải xác định và chuẩn bị một số vấn đề sau để khỏi phải mất thời gian lãng phí:

1. Bạn đi du học Nhật Bản với mục đích gì? Đi học để lấy kiến thức phát triển tương lai lâu dài hay đi sang Nhật lao động với vỏ bọc là Visa du học? Nếu bạn có tư tưởng sang chỉ để đi làm thì Thanh Giang khuyên các bạn là hãy ở nhà vì tỷ giá Yên bây giờ rất thấp. Các bạn có làm đến 12 tiếng/ngày thì các bạn cũng không thể trả nổi một khoản nợ mà gia đình các bạn đã phải vay để cho các bạn đi du học trong thời gian là 2 năm. Mà điều này là các bạn đã vi phạm luật rất nghiêm trọng vì khi bạn có VISA du học sinh, bạn chỉ được phép là 28 tiếng/tuần tức là 4 tiếng/ngày. Bạn thử tính với mức lương làm thêm từ 750-800 yên/ giờ thì một tuần bạn sẽ kiếm được 2.24 man. Như thế 1 tháng sẽ kiếm được khoảng 8.986 man. Chi phí sinh hoạt hết khoảng 5-6 man là rất tiết kiệm vậy số tiền dư ra hỏi còn được là bao nhiêu? Nếu bạn làm quá nhiều mà bị công an họ điều tra và phát hiện thì chắc chắn bạn sẽ phải về nước.

2. Bản phải xác định học ngoại ngữ thật tốt và thật nghiêm túc trước khi đi du học. Các bạn tự đặt câu hỏi là ở địa vị các bạn có nhận một người câm và điếc vào làm việc cho mình? Ví như các bạn không có khả năng ngoại ngữ tốt thì có khác nào người câm và điếc đâu. Các bạn đừng ỷ lại và dựa dẫm vào bất cứ một ai mà hãy nhớ rằng chỉ có các bạn mới cứu được các bạn bằng cách học thật tốt tiếng Nhật. Đừng sốt ruột và nôn nóng sang Nhật khi chỉ mới học tiếng Nhật trong một thời gian quá ngắn. Hãy dành thời gian học tập tối thiểu 9-12 tiếng/ngày trước khi sang các bạn nhé.

3. Chuẩn bị tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử, sửa những thói quen xấu như vất rác bừa bãi, ở bẩn thỉu.v.v… trước khi sang Nhật. Bạn nào có tính hay “cầm nhầm” đồ của người khác thì phải sửa ngay. Người Nhật rất ghét tính ăn cắp vặt và họ sử lý rất nghiêm nếu bắt được ai đó ăn trộm đồ của người khác từ những thứ nhỏ nhất như là cái ô, đôi dép,.v.v… Nếu còn những tính đó và lối sống vô kỷ luật thì các bạn cũng nên ở nhà. Sang Nhật rồi thì sớm muộn các bạn cũng phải về nước trong tủi nhục mà thôi nếu như bị công an bắt.

 

Bức tâm thư của một du học sinh Việt Nam trước giờ lên máy bay về nước khi bị công an bắt

「 ” Kính gửi: Ban giám hiệu nhà trường, cùng các thầy cô giáo và các bạn học sinh.
Tên em là: ************ Lớp:***

Lý do: Vào ngày 5/5/2014 em có lấy “3 cái áo phông và 3 đôi tất”. Sau khi bị công an tra hỏi và trả về trường thì nhà trường đã quyết định đuổi em về nước và giờ em đang ở sân bay Narita để chuẩn bị về nước nhưng em có 20 phút để chờ đợi máy bay nên em xin viết vài lời muốn gửi đến thầy cô giáo và các bạn học sinh. Trong thời gian em ở trại tạm giam em đã suy nghĩ rất nhiều về những việc mình đã làm, em đã cảm thấy rất có lỗi với tất cả mọi người. Em nghĩ sau khi công an trả em về, em sẽ bắt đầu lại từ đầu và làm lại cuộc đời mình tốt hơn không vi phạm pháp luật nữa và sẽ không làm mọi người thất vọng về em nữa.

Nhưng mọi người đã không còn tin tưởng em nữa, và em đã “phải về nước”. Em biết em đã phạm sai lầm và giờ em phải chịu cái giá mình đã phạm phải. Nhưng nó đối với em thật sự cái giá phải trải quá đắt không! Nhưng em nghĩ nó càng quá đắt thì em mới biết được giá trị cuộc sống và em cũng sẽ trưởng thành hơn về cách suy nghĩ của mình. Em cũng không hề trách móc cái gì khi em phải về nước cả, em chỉ mong mọi người tha lỗi cho em. Và em mong sẽ không còn ai vấp phải sai lầm giống như mình nữa. Em xin chân thành xin lỗi các thầy cô giáo và tất cả các bạn học sinh.

Em xin lỗi vì đã không làm tốt trách nhiệm của mình mà lại còn làm cho thầy cô phải lo lắng cho em. Em không biết phải làm gì để bù đắp tấm lòng của thầy cô và em xin nợ thầy cô một lời xin lỗi.

Em mong thầy cô sẽ đưa những lời nói của em đến tất cả các bạn học sinh để mọi người ý thức được và sẽ không có ai phải “hối hận” nữa.

Một lần nữa em xin chân thành xin lỗi tất cả mọi người. Vì thời gian quá ngắn nên em xin dừng bút tại đây, xin chúc tất cả mọi người có cuộc sống tốt ở Nhật. Em xin tạm biệt tất cả các thầy cô và các bạn học sinh.”」

4. Rèn luyện sức khỏe cho thật tốt trước khi sang. Những bạn đã sang Nhật Bản rồi thì thấy tốc độ và cường độ làm việc của người Nhật như thế nào rồi. Ở Việt Nam chúng ta có một thói quen chậm chạp, sinh hoạt không có điều độ nên nhiều lúc Thanh Giang thấy tác phong và sức khỏe của những bạn 18-20 tuổi không bằng sức khỏe và sự nhanh nhẹn của những bác Nhật tuổi 50-60. Không biết các bạn có nhận thấy điều đó không?

5. Phải bỏ ngay tính nói dối, bao biện, lừa đảo, chậm giờ, v.v… Nếu bạn có tính hay nói dối thì phải sửa ngay lập tức. Tính hay trễ giờ, bao biện và lừa đảo thì lại càng phải sửa bằng hình thức tự phạt nghiêm khắc với chính mình.

6. Phải chịu đựng được gian khổ, có ý trí vươn lên học hỏi không ngừng. Nếu còn tư tưởng lười nhác, chây ỳ, cái tôi quá cao, không bỏ được tật xấu và thói quen xấu thì kiên quyết không đi.

7. Kính tế gia đình có đủ đảm bảo để lo cho mình đi du học? Đừng thấy bạn hàng xóm đi du học và hàng tháng gửi tiền đều đều về là các bạn cũng sôi sùng sục để quyết tâm đi du học bằng được nhé. Đừng nghe những chiếc bánh vẽ.

8. Nên tìm hiểu thông tin qua các phương tiện truyền thông chính thống, các website của trường bên Nhật, v.v…

9. Khi tìm hiểu thông tin của công ty thì hãy hỏi từ 10-20 người đã đi tại công ty. Thanh Giang nghĩ không khó nếu như bạn đã có tài khoản facebook. Bạn hãy vào kết bạn một cách rất thoải mái và dễ dàng với những người đã đi tại công ty bạn tìm hiểu để có cái nhìn khách quan nhất và đừng bao giờ tin những gì người tư vấn cho bạn nói nếu không có sự kiểm chứng thông tin từ nhiều chiều khác nhau. Các bạn cũng cần phải rất lưu ý và tỉnh táo với những điạ chỉ facebook giả mạo, không rõ ràng để đánh lừa niềm tin của các bạn, các bạn hãy nhớ một nguyên tắc là cái gì rõ ràng và minh bạch thì việc gì cũng rõ ràng và minh bạch.

Còn vấn đề chi phí thì các bạn càng phải rõ ràng từ khi làm thủ tục. Nên ký hợp đồng với nhau và trong hợp đồng cần phải nêu rõ: Ngoài các khoản phí đóng cho nhà trường theo đúng giấy báo nhập học thì người đi còn phải nộp thêm những khoản phí gì? (rõ ràng từng khoản) Nếu sau này, trước và sau khi xuất cảnh mà phát sinh thêm bất cứ chi phí nào ngoài những chi phí nêu trên thì công ty sẽ hoàn toàn chịu chi phí đó. Việc nộp tiền cũng vậy, cần phải nêu rõ thời điểm nộp tiền như thế nào. Thanh Giang chỉ khuyên các bạn nên làm việc một cách chặt chẽ để sau này khỏi phải than phiền là: “Trót đâm lao phải theo lao”,”Ngồi trên lưng hổ rồi thì phải ngồi thôi”, vì người ta cầm giấy tờ gốc của mình rồi nên phải cắn răng mà chịu đựng. Các bạn đừng giữ mãi quan điểm là đi du học thì phải hết nhiều tiền vì thấy ông bạn hàng xóm đi hết nhiều mà mình đi hết ít nên thấy hoang mang. Hãy thật tỉnh táo lựa chọn thông tin các bạn nhé. Thanh Giang chỉ thấy khổ các bác nông dân, quanh năm chẳng biết bản hợp đồng là cái gì và ý nghĩa như thế nào. Cứ nhắm mắt vào ký rồi sau này mới ớ người ra, cũng chẳng dám nói vì sợ con mình bị trù dập. Thanh Giang xin tái khẳng định quan điểm là: Làm gì cũng phải có công, nhưng cái công đó là cao hay thấp thì nên rõ ràng từ đầu để người đi khỏi ấm ức.

Có một bác ở quê tâm sự với Thanh Giang khi nghe tư vấn một công ty thì nhận được một câu chắc như đinh đóng cột: “Công ty không phải là công ty tư nhân nên lấy theo biểu giá chuẩn là phí tư vấn chỉ có 2 triệu”. Nhưng khi hỏi đến tổng chi phí thì hết 250 triệu. Cố gắng hỏi các chi phí thế nào thì chỉ trả lời: “Mời bác tới công ty tìm hiểu để được biết thông tin chi tiết.”

Thanh Giang xin dừng bài chia sẻ tại đây và luôn cầu chúc các bạn sẽ thành công, vững mạnh trên con đường các bạn đã lựa chọn. Người Việt Nam chúng ta luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao về tính hiếu học, chăm chỉ, thân thiện. Do vậy, mỗi một người Việt Nam chúng ta phải luôn luôn cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam vững mạnh và gìn giữ hình ảnh của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế các bạn nhé! Ngày xưa cha ông ta nghèo khổ như vậy còn làm được. Vậy tại sao ngày nay đất nước đổi mới và phát triển từng ngày mà chúng ta lại không làm được? Đừng nghĩ phải làm những việc lớn mới là đóng góp cho dân tộc và đất nước mà chỉ cần những hành động rất nhỏ thôi và có ý nghĩa, đúng pháp luật là các bạn đã thể hiện tình yêu và đóng góp cho đất nước Việt Nam của mình rồi.

Tin Liên Quan